Chống rụng tóc với bệnh nhân điều trị Ung thư như thế nào?

Trong điều trị ung thư, hóa trị là phương pháp điều trị gần như là không thể tránh. Một trong những tác dụng phụ của 2 phương pháp điều trị đó là rụng tóc. Phương pháp hóa trị sử dụng các hoạt chất hóa học để ngăn chặn sự tăng sinh hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư, thường được đề nghị với mục tiêu làm thu nhỏ khối u trước phẫu thuật, ngăn ngừa tái phát sau phẫu thuật hoặc góp phần kéo dài thời gian sống cũng như làm tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.


Nhưng cũng vì khả năng tác động lên các tế bào tăng sinh nhanh, hóa trị ảnh hưởng lên cả một số loại tế bào bình thường vốn sinh sản nhanh trong cơ thể như tế bào gốc ở tủy xương, niêm mạc đường tiêu hóa và chân tóc. Đây là lý do mà hóa trị có thể gây nên các tác dụng phụ…đặc biệt là rụng tóc.

Bị rụng tóc là một trong những tác dụng phụ được quan tâm hàng đầu, đặc biệt là ở bệnh nhân nữ và trẻ em. Bệnh nhận bị rụng tóc xảy ra do hóa trị làm tổn thương các tế bào giúp mọc tóc. Dẫu vậy, không phải mọi loại thuốc hóa trị đều gây rụng tóc; một số thuốc thường gây rụng tóc hoặc thưa tóc hơn những thuốc khác. Vì thế, trước khi bắt đầu điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu về nguy cơ bị rụng tóc, mức độ và thời điểm xảy ra, cũng như khả năng mọc lại tóc.

Vậy làm gì để hạn chế rụng tóc và đối phó với rụng tóc thế nào cho đúng? DieuTriUngThu.com xin đưa ra một số gợi ý để bạn đọc tham khảo dưới đây:

1. Hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt.

Đối với hầu hết mọi người, rụng tóc không chỉ là thay đổi vẻ ngoài mà còn là một trải nghiệm thử thách về tinh thần vì nó làm ảnh hưởng tới hình ảnh bản thân và chất lượng cuộc sống.

Người bệnh nên nói chuyện với người tư vấn, một ai đó có trải nghiệm tương tự, với người thân hay bạn bè về cảm giác liên quan tới rụng tóc vì việc này có thể giúp chuẩn bị tinh thần tốt hơn. Tâm sự, trò chuyện với trẻ nhỏ về khả năng rụng tóc trước khi điều trị cũng có thể có ích. Việc biết trước những thay đổi vẻ ngoài cũng có thể giúp bệnh nhi giảm lo lắng và sợ hãi.

Cạo trọc, cắt tóc ngắn hoặc sử dụng tóc giả là một số biện pháp phổ biến mà mọi người thường dùng

2. Sử dụng liệu pháp mũ lạnh (Cold cap therapy)

Việc đội mũ hoặc đồ phủ đầu với túi lạnh trước, trong, và sau hóa trị có thể giúp ngừa rụng tóc do thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch. Mũ có hơi lạnh làm co các mạch máu trên da đầu qua đó làm ít thuốc tới được chân tóc hơn.

3. Có thể dùng thuốc?

Một số loại thuốc bôi như minoxidil, có thể hữu ích để chữa thưa tóc do liệu pháp hormone hay liệu pháp nhắm đích. Thuốc còn có thể giúp ích cho những bệnh nhân không mọc lại tóc hoàn toàn sau hóa trị, ghép tế bào gốc hay xạ trị.

4. Chú ý chăm sóc tóc và da đầu

Người bệnh nên chọn loại dầu gội nhẹ không chứa nước hoa để làm sạch tóc, người bệnh cũng không nên gội đầu mỗi ngày, và không kì/vò đầu mạnh tay. Gội đầu xong nên làm khô tóc bằng cách thấm nhẹ, tránh sấy tóc ở nhiệt độ cao, không dùng hóa chất làm tóc. Có biện pháp chống nắng cho da đầu khi ra ngoài trời. Che đầu trong những tháng có thời tiết lạnh để giữ thân nhiệt, nên gối đầu bằng gối mềm…

Khi tóc mọc lại việc chăm sóc tóc cẩn thận rất quan trọng, người bệnh nên massage da đầu để giúp bỏ da khô và gầu. Lúc đầu, tóc mới sẽ mỏng và dễ tổn thương hơn tóc cũ. Nó có thể mọc lại với kiểu hay màu sắc khác. Nên hạn chế gội đầu quá 2 lần mỗi tuần…

DieuTriUngThu.com tổng hợp