Điều trị ung thư Tiền liệt tuyến giai đoạn 2

Ung thư tuyến tiền liệt (hay tiền liệt tuyến) giai đoạn 2 là tình trạng mà tế bào ung thư xâm nhập vào niêm mạc và cơ của tuyến tiền liệt. Vào giai đoạn này, các tế bào ung thư chưa lây lan vào hạch bạch huyết và các cơ quan lân cận. Nếu chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị, tình trạng có thể tiến triển sang các giai đoạn nghiêm trọng, nguy hiểm hơn.

1. Triệu chứng ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn 2

Thông thường ung thư tuyến tiền liệt không phát sinh triệu chứng trong giai đoạn đầu. Bước sang giai đoạn 2, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu sau:

- Khó tiểu
- Máu trong tinh dịch
- Khó chịu ở vùng chậu


2. Những biến chứng của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2. 

Thời điểm điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2, người bệnh có thể đối diện với các vấn đề về tiểu tiện và sinh lý (rối loạn cương dương, vô sinh,…). Hầu hết các vấn đề này đều không thể khắc phục và có xu hướng kéo dài vĩnh viễn.

Nếu ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn 2 không được điều trị, tế bào ác tính có thể xâm lấn vào các mô lân cận, hạch bạch huyết và máu. Sau đó chúng có thể di chuyển từ máu đến các cơ quan khác – tình trạng này được gọi là ung thư di căn.

Bước sang giai đoạn 3, 4, ung thư thường không thể điều trị dứt điểm. Mục đích của việc điều trị nhằm giảm triệu chứng và kéo dài thời sống cho người bệnh.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2

Các bác sỹ sẽ chỉ định phương pháp điều trị dựa vào một số yếu tố như: tuổi tác, tình trạng sức khỏe, mức độ của các triệu chứng, mức độ tiến tiển của tế bào ung thư,… Các biện pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2, bao gồm:

1. Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến

Việc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt được thực hiện nhằm loại bỏ khối u ác tính. Trước khi can thiệp ngoại khoa, bạn sẽ được gây mê toàn thân hoặc gây tê ngoài màng cứng.

Các bác sĩ có thể thực hiện cắt bỏ tuyến tiền liệt thông qua bụng hoặc vết rạch ở hậu môn và bìu. Tuy nhiên, các bác sĩ thường thực hiện vết cắt ở bụng nhằm tiếp cận với các hạch bạch huyết gần bàng quang. Nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể sinh thiết để kiểm tra.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể được áp dụng nội soi để cắt bỏ tuyến tiền liệt. Thủ thuật này thực hiện vết rạch nhỏ và sử dụng ống nội soi để quan sát các cơ quan bên trong cơ thể. Nội soi không tạo ra vết thương hở lớn, do đó thời gian phục hồi được rút ngắn và giảm thiểu nguy cơ gặp phải các rủi ro sau phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt có thể tiềm ẩn các biến chứng sau:

+ Dị ứng hoặc phản ứng với thuốc gây mê
+ Chảy máu bất thường
+ Nhiễm trùng
+ Hình thành cục máu đông
+ Tổn thương lên các cơ quan lân cận
+ Không tự chủ khi tiểu tiện
+ Rối loạn cương dương
+ Phù bạch huyết

2. Phương pháp xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Xạ trị chùm tia ngoài (ERBT)

Xạ trị chùm tia ngoài (EBRT) thường được áp dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2. Các loại xạ trị chùm tia ngoài bao gồm:

+ Xạ trị ba chiều (3D-CRT)
+ Xạ trị chùm tia proton
+ Xạ trị điều biến cường độ (IMRT)
+ Xạ trị cơ thể lập thể (SBRT)

Những tác dụng không mong muốn khi thực hiện xạ trị chùm tia ngoài, gồm có:

+ Kích ứng da ở vị trí xạ trị
+ Vấn đề về tiết niệu như khó tiểu, tiểu thụ động, rò rỉ nước tiểu,…
+ Vấn đề đường ruột như tiêu chảy, táo bón,…
+ Vấn đề về tình dục như rối loạn cương dương, khó xuất tinh,…
+ Mệt mỏi
+ Rụng tóc
+ Phù bạch huyết


Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc việc thực hiện cận xạ trị (liệu pháp dùng tia phóng xạ gần) để tác động mạnh đến khối u trong tuyến tiền liệt.

Cận xạ trị

Cận xạ trị cho phép bác sĩ sử dụng liều bức xạ vào các khu vực cụ thể. Mặc dù có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư mạnh nhưng cận xạ trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn xạ trị chùm tia ngoài.

Cận xạ trị có thể gây ra các tác dụng phụ sau:

+ Vấn đề về đường tiết niệu
+ Vấn đề về đường ruột
+ Vấn đề về cương cứng

3. Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone được áp dụng nhằm làm giảm nồng độ nội tiết nam và ngăn chặn sự tăng sinh các tế bào ung thư. Liệu pháp này không thể chữa trị dứt điểm ung thư tuyến tiền liệt mà chỉ có khả năng thu nhỏ và làm chậm sự tăng trưởng của khối u ác tính.

Các liệu pháp hormone được áp dụng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2, bao gồm:

Cắt bỏ tinh hoàn

Tinh hoàn là cơ quan sản xuất hormone nam. Do đó bác sĩ có thể cân nhắc để cắt bỏ cơ quan này nhằm làm giảm lượng nội tiết tố được sản sinh.

Sử dụng thuốc

Một cách khác để giảm testosterone là sử dụng chất đối kháng với hormone luteinizing (LHRH). Nhóm thuốc này có cấu trúc tương tự LHRH tự nhiên do tuyến yên sản sinh. Khi LHRH bị ức chế, khả năng sản sinh nội tiết của cơ thể sẽ có xu hướng suy giảm. Những loại thuốc này thường được tiêm hoặc cấy dưới da.

Các loại thuốc đối kháng LHRH được sử dụng phổ biến, gồm có:

+ Goserelin
+ Leuprolide
+ Histrelin
+ Triptorelin

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng kết hợp thuốc chống ung thư như:

+ Enzalutamide
+ Bicalutamide
+ Nilutamid
+ Flutamid

Tác dụng phụ khi thực hiện liệu pháp hormone:

+ Co rút tinh hoàn và dương vật
+ Mất ham muốn tình dục
+ Rối loạn tình dục
+ Loãng xương
+ Thiếu máu
+ Giảm cân
+ Giảm cơ bắp
+ Mệt mỏi
+ Trầm cảm
+ Tiêu chảy

Sau khi khối u ác tính được loại bỏ hoàn toàn, người bệnh có thể phải tiếp tục điều trị nhằm khắc phục các tác dụng phụ do những biện pháp chữa trị ung thư gây ra.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể tái phát trở lại, do đó bạn cần kiểm tra thường xuyên để kịp thời nhận biết các dấu hiệu bất thường.

Nguồn: DieuTriUngThu.com