Nổi hạch có phải bị ung thư?

Nếu trên cơ thể bạn bỗng nhiên xuất hiện các hạch dưới da (một hoặc nhiều hạch) thì hẳn nhiên bạn sẽ rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Sẽ là hơi quá nếu nhận định cứ hạch nổi lên là phải nghĩ đến ung thư, phải thăm khám bác sĩ, phải tầm soát bệnh nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp lơ là, coi thường sự xuất hiện bất thường của hạch, đến khi gặp bác sĩ đã muộn.


Các hạch bạch huyết phân bổ khắp cơ thể, tập trung nhiều ở cổ, nách và bẹn và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch. Bình thường hạch không xuất hiện, bỗng dưng một ngày đẹp trời nổi lên chắc chắn đang cảnh báo sức khỏe có vấn đề. Đơn giản hạch sưng lên để bảo vệ cơ thể khi có tác nhân gây bệnh.


Dưới đây là một số trường hợp nổi hạch điển hình:

1. Nổi hạch do chứng nhiễm khuẩn răng khôn

Các trường hợp viêm hạch lan tỏa dọc bên cổ thường do chứng nhiễm khuẩn răng khôn hàm dưới hay viêm họng gây ra. Triệu chứng thường thấy là hạch nhỏ nổi bên cổ, giới hạn rõ, di động. Nếu như không được thăm khám kịp thời hạch thường bị sưng nề, cứng dọc cơ ức đòn chũm, giới hạn không rõ, ấn vùng sưng rất đau. Cổ vẹo về bên bệnh, đau khi cử động cổ, nuốt, nói khó. Bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, vật vã.

2. Các hạch xuất hiện dưới cằm do bị viêm nhiễm

Viêm nhiễm ở đây có thể bao gồm:

- Cơ thể bị nhiễm trùng nhẹ
- Viêm nhiễm tại chỗ (viêm họng, viêm amidan…)
- Bị nhiễm trùng đặc hiệu (lao phổi, lao hạch…)

Trường hợp nguy hiểm nhất là ung thư, trong đó có khả năng cao liên quan đến ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng. Triệu chứng thường là hạch dính chặt vào vùng cổ, kích thước khối u hạch tùy thuộc vào từng người bệnh, thường có kích thước lớn trên 1 cm

3. Hạch lao

Các hạch lao thường to, thường sẽ không thấy đau, ban đầu mọc riêng lẻ sau đó liên kết thành chùm, gây sẹo vĩnh viễn. Hạch lao thường rất lâu lặn, nếu để thời gian dài có thể gây viêm, chảy mủ. Trong trường hợp này, người bệnh nên đi khám bác sĩ.

4. Hạch Hodgkin

Tên của loại hạch này được đặt theo nhà khoa học Hodgkin, triệu chứng đầu tiên của loại bệnh này được phát hiện năm 1832.

Các hạch Hodgkin thường xuất hiện ở nam giới. Lúc đầu hạch nổi ở thượng đòn trái, lan dần lên cổ, xuất hiện ở hai bên nách,… Hạch Hodgkin thường to, cứng như đá, không đau. Bệnh nhân nổi hạch Hodgkin hay bị sốt theo đợt, mỗi lần sốt lại nổi thêm hạch. Nếu không điều trị ngay có thể tử vong.

Vậy bị nổi hạch ở cổ dưới cằm không đau có phải u lành tính?

Các hạch nổi ở vùng cổ dưới cằm thường được chia làm hai nhóm, một từ các bệnh lành tính, hai là từ các bệnh ác tính. Với các trường hợp nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện nội soi để tầm soát khối u nguyên phát ở vùng mũi, họng, thanh quản và đường tiêu hóa…

Có một số trường hợp cần phải rạch một chút da cổ tại chỗ hạch nổi để lấy một ít mô của hạch xét nghiệm (sinh thiết hạch) để xem đó là bệnh gì. Chẩn đoán có bị ung thư hay không phụ thuộc trực tiếp vào kết quả của xét nghiệm này. Thường thì những hạch dạng "hạt đậu phộng" nhiều khả năng chỉ là hạch viêm thông thường phản ứng với các ổ viêm gần đó.

Với các trường hợp chưa thể đi khám ngay thì cần theo dõi  nếu hạch dần nhỏ lại và không có triệu chứng toàn thân bất thường khác thì bạn có thể yên tâm, nhưng nếu hạch nổi ngày càng nhiều thì bạn nên tái khám để loại trừ bệnh ác tính.

Đối phó khi nổi hạch ở cổ dưới cằm

Với các trường hợp hạch dưới cằm xuất hiện bất thường không liên quan đến các bệnh lý như sốt, viêm họng, viêm amidan thì cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị bệnh kịp thời. Nhiều trường hợp sưng hạch có thể có những biến chứng nguy hiểm như áp xe, sưng viêm nhiễm trùng… thì cần được tiến hành phẫu thuật loại bỏ.

Nếu như người bệnh bị viêm sưng hạch nhưng mắc bệnh rối loạn miễn dịch thì để giảm đau và hạn chế tình trạng sưng to của hạch có thể sử dụng một số loại thuốc kê đơn từ bác sĩ như acetaminophen và ibuprofen. Trong trường hợp thấy có biểu hiện nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như Anti – TG (dấu ấn ung thư tuyến giáp), siêu âm màu tuyến giáp, sinh thiết… để xác định chính xác tình trạng bệnh.

Bị nổi hạch ở cổ dưới cằm là u lành tính hay ác tính, bạn không phải bác sĩ, không có các thiết bị y khoa hiện đại hỗ trợ chẩn đoán không thể tự “bắt bệnh” bừa. Chớ có coi thường những biểu hiện ban đầu để phải hối hận khi đã quá muộn.

DieuTriUngThu.com tổng hợp