Tổng quang về ung thư Bàng quang

Ung thư bàng quang là một trong những loại ung thư khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh có thể dễ dàng chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Các triệu chứng của ung thư bàng quang bao gồm tiểu đau và tiểu ra máu. Nguyên nhân gây ung thư chưa được biết rõ. Việc điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị liệu, và xạ trị.

A. Ung thư bàng quang là gì ?

Khởi phát từ bàng quang là một cơ quan hình cầu ở vùng xương chậu có nhiệm vụ lưu trữ nước tiểu. Ung thư bàng quang khởi phát thường xuyên nhất từ các tế bào lót mặt trong bàng quang. Người lớn tuổi thường mắc ung thư bàng quang tuy rằng bệnh vẫn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Phần lớn ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi ung thư còn có thể điều trị được. Tuy nhiên, ngay cả đối với giai đoạn đầu, ung thư bàng quang vẫn có khả năng tái phát rất cao. Vì thế, những người sống sót sau ung thư bàng quang nên được thử nghiệm theo dõi để phát hiện ung thư tái phát nhiều năm sau khi chấm dứt điều trị.


B. Những triệu chứng của Ung thư bàng quang

- Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư bàng quang có thể bao gồm:

 + Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu) - nước tiểu có thể có màu vàng sậm, màu đỏ tươi hay màu nước ngọt coca cola, hoặc nước tiểu có thể bình thường, nhưng kiểm tra dưới kính hiển vi thấy có hồng cầu trong nước tiểu
 + Tiểu lắt nhắt
 + Đau khi đi tiểu
 + Nhiễm trùng đường tiểu tái diễn
 + Đau bụng
 + Đau hông lưng

Bạn nên đi khám bệnh nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên, như khi thấy có máu trong nước tiểu chẳng hạn.

C. Những nguyên nhân của Ung thư bàng quang

- Ung thư bàng quang không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ rệt.

- Ung thư bàng quang có liên quan đến hút thuốc lá, phơi nhiễm tia bức xạ, nhiễm ký sinh trùng và tiếp xúc với hóa chất.

- Ung thư bàng quang phát triển khi các tế bào bình thường trong bàng quang bị đột biến. Thay vì phát triển và phân chia một cách có trật tự, các tế bào này phát triển bất thường, vượt khỏi tầm kiểm soát và không tự diệt đi. Chúng tập hợp lại thành một khối u.

D. Phân loại ung thư bàng quang

- Xác định loại ung thư nào thường dựa trên tế bào bàng quang từ đó ung thư khởi phát. Những loại tế bào khác nhau trong bàng quang đều có thể trở thành ung thư.

- Phân loại ung thư bàng quang giúp xác định phương pháp điều trị tốt nhất. Các loại ung thư bàng quang bao gồm:

 + Ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp xảy ra ở các tế bào lót mặt trong bàng quang. Tế bào chuyển tiếp dãn rộng khi bàng quang đầy và co thắt lại khi bàng quang trống. Những tế bào này cùng loại với các tế bào lót mặt trong niệu quản và niệu đạo, và khối u vẫn có thể hình thành ở những nơi kể trên. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất.
 + Ung thư biểu mô tế bào vảy: tế bào vảy hiện diện trong bàng quang để đáp ứng với nhiễm trùng và các kích thích. Theo thời gian, chúng có thể biến đổi thành ung thư. Ung thư bàng quang tế bào vảy hiếm gặp hơn. Nó thường gặp trên thế giới ở những nơi mà dân số thường bị nhiễm ký sinh trùng (sán máng), một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng bàng quang.
 + Carcinom tế bào tuyến (Adenocarcinoma). Adenocarcinoma bắt đầu từ các tế bào tạo ra chất nhầy, chất tiết trong bàng quang. Adenocarcinoma bàng quang khá hiếm gặp.

- Một số ung thư bàng quang có thể do phối hợp từ nhiều loại tế bào.

E. Những yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

- Nguyên nhân gây ung thư bàng quang chưa được biết rõ, nhưng đã xác định được một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm:

 + Lớn tuổi. Nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên theo độ tuổi. Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng hiếm khi gặp ở những người dưới 40 tuổi.
 + Người da trắng có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn so với những người thuộc chủng tộc khác.
 + Đàn ông có nhiều khả năng mắc ung thư bàng quang nhiều hơn so với phụ nữ.
 + Hút thuốc lá, xì gà hay ống điếu làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang bằng cách tạo ra các hóa chất có hại tích tụ trong nước tiểu. Khi hút thuốc, cơ thể xử lý các hóa chất trong khói và thải một số vào nước tiểu. Những hóa chất độc hại này gây tổn thương niêm mạc bàng quang và tăng nguy cơ ung thư.
 + Khi cơ thể tiếp xúc với hóa chất, thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc các chất độc hại từ máu và di chuyển chúng xuống bàng quang. Một số hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang như asen, các chất sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các loại sơn. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn.
 + Tiền sử điều trị ung thư trước đó. Điều trị với thuốc chống ung thư cyclophosphamide (Cytoxan) làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người được xạ trị nhằm vào xương chậu để điều trị một bệnh ung thư trước đó có thể có nguy cơ cao phát triển ung thư bàng quang về sau.
 + Viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu tái diễn, sử dụng ống thông đường tiểu lâu dài … có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang tế bào vảy. Ở một số vùng trên thế giới, ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến viêm bàng quang mạn tính do nhiễm ký sinh trùng sán máng.
 + Bản thân hoặc tiền sử gia đình bị ung thư. Nếu đã bị ung thư bàng quang, sẽ có nhiều khả năng để mắc thêm một lần nữa. Nguy cơ cao mắc bệnh nếu một hoặc nhiều thân nhân có tiền sử ung thư bàng quang, mặc dù bệnh ung thư bàng quang gia đình rất hiếm gặp. Tiền sử ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), còn gọi là hội chứng Lynch, có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở hệ thống tiết niệu, tử cung, đại tràng, buồng trứng và một số cơ quan khác.

F. Một số biến chứng của Ung thư bàng quang

- Ung thư bàng quang thường tái phát. Do đó, những người sống sót sau khi mắc ung thư bàng quang nên được xét nghiệm theo dõi tiếp sau khi đã điều trị thành công. Những xét nghiệm cần làm và việc thực hiện chúng thường xuyên ra sao phụ thuộc vào loại ung thư bàng quang và phương pháp điều trị đã dùng...

- Thường thì nên khám sàng lọc niệu đạo và bàng quang (soi bàng quang) mỗi 3-6 tháng trong bốn năm đầu tiên sau khi hoàn tất điều trị ung thư bàng quang. Sau đó, có thể tiến hành nội soi bàng quang mỗi năm một lần.

- Những người có dạng ung thư hoạt động nên được sàng lọc thường xuyên hơn. Người có dạng ung thư ít hoạt động có thể được xét nghiệm thưa hơn.

G. Khám và chẩn đoán Ung thư bàng quang

1. Chẩn đoán ung thư bàng quang

- Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán ung thư bàng quang gồm:

 + Soi bàng quang. Trong quá trình soi bàng quang, bác sĩ đưa một ống nội soi vào niệu đạo. Dụng cụ soi bàng quang gồm một ống kính và hệ thống chiếu sáng bằng sợi quang cho phép bác sĩ quan sát niệu đạo và bàng quang. Bệnh nhân được gây tê cục bộ khi soi bàng quang
 + Sinh thiết. Trong quá trình soi bàng quang, bác sĩ dùng một công cụ đặc biệt đưa qua niệu đạo vào bàng quang sinh thiết một mẫu mô nhỏ để thử nghiệm. Thủ thuật này đôi khi được gọi là cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (transurethral resection of bladder tumor=TURBT). TURBT cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. TURBT thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân.
 + Xét nghiệm tế bào học nước tiểu: Phân tích một mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào ung thư.
 + Chẩn đoán hình ảnh cho phép bác sĩ kiểm tra các cấu trúc của đường tiết niệu. Có thể dùng chất cản quang tiêm tĩnh mạch chụp UIV để làm nổi bật thận, niệu quản và bàng quang. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cho phép bác sĩ quan sát đường tiết niệu và các mô xung quanh tốt hơn.

2. Các gia đoạn của ung thư bàng quang

- Sau khi đã xác nhận mắc ung thư bàng quang, có thể yêu cầu một số xét nghiệm bổ sung để xác định mức độ, hoặc giai đoạn của ung thư. Các thử nghiệm này bao gồm:

 + CT scan
 + Chụp cộng hưởng từ (MRI)
 + Xạ hình xương (bone scan)
 + X-quang ngực

- Dưới đây là các giai đoạn của ung thư bàng quang:

 + Giai đoạn I: Ung thư ở giai đoạn này xảy ra trong lớp nội mạc của bàng quang, nhưng chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang.
 + Giai đoạn II:  Ở giai đoạn này, ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn ở bàng quang.
 + Giai đoạn III: Các tế bào ung thư đã lây lan xuyên qua thành bàng quang để xâm lấn mô xung quanh. Chúng có thể lan đến tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung hay âm đạo ở phụ nữ.
 + Giai đoạn IV: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác, như phổi, xương hoặc gan.

D- Những phương pháp điều trị và thuốc sử dụng

Lựa chọn điều trị cho ung thư bàng quang phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại tế bào liên quan, giai đoạn của ung thư, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và chọn lựa điều trị của người bệnh. Cần có sự thảo luận giữa bác sĩ và bệnh nhân để xác định phương pháp điều trị tốt nhất.

a. Phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật dựa trên các yếu tố như giai đoạn của ung thư bàng quang, sức khỏe tổng thể và sự lựa chọn của người bệnh

1.  Phẫu thuật ung thư bàng quang giai đoạn đầu

Nếu ung thư còn rất nhỏ và không xâm lấn thành bàng quang, bác sĩ có thể đề nghị:

 + Phẫu thuật cắt bỏ khối u. Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT) thường được sử dụng để loại bỏ ung thư bàng quang còn giới hạn trong các lớp bên trong của bàng quang. Trong lúc thực hiện TURBT, bác sĩ dùng một vòng dây nhỏ đưa vào bàng quang qua niệu đạo. Vòng dây được dùng để đốt tế bào ung thư bằng dòng điện (fulguration). Trong một số trường hợp, laser năng lượng cao có thể được sử dụng thay thế cho dòng điện. TURBT có thể gây tiểu đau hoặc tiểu có máu trong một vài ngày sau thủ thuật.
 + Phẫu thuật cắt bỏ khối u và một phần nhỏ của bàng quang. Trong cắt bỏ bàng quang bán phần, bác sĩ phẫu thuật chỉ loại bỏ phần bàng quang có chứa các tế bào ung thư. Cắt một phần bàng quang là lựa chọn khi ung thư còn giới hạn ở một diện tích bàng quang, còn có thể được loại bỏ dễ dàng mà không gây tổn hại đến chức năng bàng quang.
 + Phẫu thuật gây nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể đi tiểu thường xuyên hơn sau khi đã được cắt bỏ một phần bàng quang. Di chứng này cải thiện theo thời gian, nhưng đối với một số người, nó có thể là vĩnh viễn.

2. Phẫu thuật đối với ung thư bàng quang xâm lấn

Khi ung thư đã xâm lấn đến các lớp sâu hơn của thành bàng quang, có thể xem xét:

 + Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang: Loại bỏ toàn bộ bàng quang, cùng các hạch bạch huyết xung quanh. Ở nam giới, cắt bỏ toàn bộ bàng quang thường bao gồm cắt bỏ luôn tuyến tiền liệt và túi tinh. Ở phụ nữ, cắt bỏ toàn bộ bàng quang bao gồm cắt bỏ tử cung, buồng trứng và một phần âm đạo.
Cắt toàn bộ bàng quang gây nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu. Ở nam giới, việc loại bỏ tuyến tiền liệt và túi tinh sẽ gây ra vô sinh. Nhưng trong nhiều trường hợp, bác sĩ phẫu thuật có thể cố gắng giữ lại các dây thần kinh cần thiết cho việc cương dương. Ở phụ nữ, việc loại bỏ buồng trứng gây vô sinh và mãn kinh sớm.

 + Phẫu thuật tạo ra một đường dẫn mới để thải trừ nước tiểu. Ngay sau khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một ống dẫn nước tiểu bằng cách sử dụng một đoạn ruột. Ống dẫn này chạy từ thận và mở ra bên ngoài cơ thể, nước tiểu chảy vào một túi mang trên bụng.

Ngoài ra, có thể sử dụng một phần ruột để tạo túi chứa nước tiểu nhỏ bên trong cơ thể. Bệnh nhân có thể tự tiêu thoát nước tiểu từ túi chứa này qua một lỗ ở bụng bằng cách sử dụng ống thông vài lần mỗi ngày.

Trong một số trường hợp chọn lọc, bác sĩ phẫu thuật có thể tạo ra một bàng quang mới bằng một đoạn ruột non. Túi chứa này nằm bên trong cơ thể và được nối vào niệu đạo cho phép bệnh nhân đi tiểu bình thường. Bệnh nhân cần sử dụng một ống thông để rút tất cả nước tiểu từ bàng quang mới của mình.

b. Trị liệu sinh học (miễn dịch)

- Trị liệu sinh học, đôi khi còn gọi là miễn dịch liệu pháp, là cách báo động hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp các tế bào chống lại khối ung thư. Trị liệu sinh học ung thư bàng quang thường được xử lý trực tiếp vào bàng quang thông qua niệu đạo (trị liệu trong bàng quang).

- Các trị liệu sinh học được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang bao gồm:

 + Dùng vi khuẩn để kích thích miễn dịch: Vi khuẩn Calmette-Guerin (BCG) là một loại vi khuẩn được sử dụng trong các vắc-xin phòng bệnh lao. BCG có thể gây kích thích bàng quang và có máu trong nước tiểu của người bệnh. Một số người có cảm giác giống bị cúm sau khi điều trị với BCG.
 + Phiên bản tổng hợp của một protein thuộc hệ miễn dịch: Interferon là một protein của hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Phiên bản tổng hợp của interferon, được gọi là interferon alfa, có thể được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Interferon alfa đôi khi được dùng kết hợp với BCG. Interferon alfa có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm.
 + Liệu pháp sinh học có thể sử dụng sau cắt bỏ u bàng quang qua nội soi (TURBT) để giảm nguy cơ tái phát ung thư.


c. Phương pháp Hóa trị

- Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Điều trị hoá chất ung thư bàng quang thường kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc hóa trị. Thuốc có thể tiêm tĩnh mạch ở cánh tay, hoặc có thể bơm trực tiếp vào bàng quang qua một ống thông niệu đạo (trị liệu trong bàng quang).

- Hóa trị có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước phẫu thuật. Trong trường hợp này, hóa trị có thể làm thu nhỏ một khối u đủ để thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn. Hóa trị đôi khi được dùng kết hợp với xạ trị.

- Phác đồ bao gồm methotrexate, vinblastine, doxorubicin (Adriamycin), và cisplatin (MVAC) là điều trị chuẩn đối với ung thư bàng quang di căn. Phác đồ MVAC có tỷ lệ đáp ứng là 57-70%, tỷ lệ đáp ứng toàn phần là 15-20%, và tỷ lệ sống còn 2 năm là 15-20%.

- Gemcitabine và cisplatin (GC) là phác đồ mới hơn được đánh giá là có hiệu quả tương đương với  MVAC, nhưng ít độc tính hơn. Hiện nay, phác đồ GC được xem là điều trị bước đầu cho ung thư bàng quang.

- Một số tác nhân mới được đánh giá là có tác dụng trên ung thư bàng quang loại tế bào chuyển tiếp và hiện nay đang được dùng thử nghiệm đối với ung thư bàng quang. Những tác nhân đem lại nhiều hứa hẹn là ifosfamide, paclitaxel, docetaxel, và carboplatin.

d. Phương pháp Xạ trị

- Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể thực hiện qua một máy bên ngoài cơ thể (tia bức xạ bên ngoài) hoặc dùng một thiết bị đặt bên trong bàng quang của bệnh nhân (brachytherapy).

- Trị liệu bức xạ có thể được sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, khiến có thể loại bỏ nó dễ dàng. Xạ trị còn được sử dụng sau phẫu thuật để diệt tế bào ung thư có thể còn sót lại. Có thể kết hợp xạ trị với hóa trị liệu.

e. Sử dụng Thuốc thay thế

Chưa có phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế nào cho ung thư bàng quang. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đang tìm cách để ngăn ngừa ung thư bàng quang, bao gồm một số phương pháp bổ sung và thay thế. Nếu lo lắng về nguy cơ ung thư bàng quang hoặc ung thư bàng quang tái phát, bệnh nhân có thể quan tâm đến các trị liệu bổ sung và thay thế.

 1. Các vitamin: Trái cây và rau củ là cách an toàn nhất để cung cấp đầy đủ các vitamin cho nhu cầu hàng ngày. Một số nghiên cứu cho thấy dùng vitamin E với liều lượng cao hơn dưới dạng thuốc viên có thể giúp giảm nguy cơ ung thư bàng quang. Nhưng những nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối liên quan này. Cần nghiên cứu thêm để tính toán được liều lượng vitamin an toàn và hiệu quả nhất. Trước mắt, nên tập trung ăn nhiều rau củ quả chứa nhiều vitamin.

 2. Trà xanh

- Trà xanh đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng liệu nó có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang hay không là điều chưa rõ ràng.

- Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy nhiều hứa hẹn, nhưng nghiên cứu ở người lại đem lại những kết quả đối nghịch.

Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy những người uống trà xanh có giảm nguy cơ ung thư bàng quang, trong khi một nghiên cứu khác lại phát hiện rằng uống trà xanh trong nhiều năm sẽ làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ xem trà xanh là hữu ích hay có hại đối với việc ngăn ngừa ung thư bàng quang.

E. Các biện pháp Đối phó và hỗ trợ

- Sống với mối lo sợ rằng bệnh ung thư bàng quang của mình có thể tái phát khiến bệnh nhân cảm thấy không thể làm chủ tương lai của mình. Nhưng trong khi không có cách nào để đảm bảo là sẽ không có tái phát ung thư thì người bệnh vẫn có thể thực hiện một số bước để giảm bớt sự căng thẳng.

- Theo thời gian, bệnh nhân sẽ tìm thấy những gì phù hợp cho mình, nhưng trước mắt, người bệnh có thể:
 + Có một lịch trình thực hiện các thử nghiệm theo dõi, và đi tái khám đầy đủ theo hẹn. Khi hoàn tất việc điều trị ung thư bàng quang, nên tư vấn bác sĩ để tạo ra một lịch trình kiểm tra theo dõi đã được cá nhân hoá cho bản thân mình. Trước mỗi lần nội soi bàng quang kế tiếp, có thể sẽ có một số lo lắng như lo sợ ung thư tái phát hay về sự khó chịu của việc nội soi. Tuy nhiên, không nên để điều này ngăn cản việc đi tái khám đúng hẹn. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch để đối phó với những mối quan tâm. Hãy viết suy nghĩ của mình và gửi đến một tạp chí, hãy tâm sự với một người bạn hoặc sử dụng kỹ thuật thư giãn, như thiền định chẳng hạn.

 + Hãy chăm sóc bản thân để sẵn sàng đối phó với bệnh ung thư nếu nó tái phát. Chăm sóc bản thân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngủ đầy đủ để khi thức dậy sẽ có cảm giác hoàn toàn thư giãn.

 + Nói chuyện với những người sống sót sau khi mắc ung thư bàng quang. Kết bạn với những người sống sót sau ung thư bàng quang đã trải qua những nỗi sợ hãi giống như mình đang cảm thấy hiện nay. Liên hệ với địa phương để hỏi về các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong khu vực của mình.

F. Phòng chống ung thư bàng quang

Mặc dù không có cách nào bảo đảm ngăn ngừa hoàn toàn ung thư bàng quang, có thể thực hiện các bước để giúp giảm nguy cơ. Ví dụ:

- Không hút thuốc: Không hút thuốc lá sẽ giúp các  hóa chất gây ung thư trong khói thuốc không thể tích tụ trong bàng quang của mình. Nếu không hút thuốc, nên tránh tập hút. Nếu đã hút thuốc, nên lập kế hoạch để bỏ thuốc. Các nhóm hỗ trợ, thuốc men và nhiều phương pháp khác có thể giúp bỏ thuốc lá.

- Hãy cẩn thận với các hóa chất. Nếu làm việc với hóa chất, nên tuân thủ tất cả các hướng dẫn an toàn để tránh phơi nhiễm.

- Uống nhiều nước trong ngày. Uống chất lỏng, đặc biệt là nước, để làm loãng các chất độc hại có thể tập trung trong nước tiểu và đào thải chúng ra khỏi bàng quang một cách nhanh chóng hơn.

-  Chọn các loại rau củ quả. Chọn một chế độ ăn uống phong phú với một loạt các loại rau củ quả nhiều màu sắc. Các chất chống oxy hóa trong rau củ quả có thể giúp giảm nguy cơ ung thư

Nguồn: DieuTriUngThu.com