Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư Tiền liệt tuyến

Mặc dù không hoàn toàn rõ rệt nhưng có thể nhận định được những triệu chứng đầu tiên đều liên quan đến việc tiểu tiện như tiểu chậm, đi tiểu nhiều lần, có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu...

Tiền liệt tuyến là một hạch nhỏ nằm dưới bàng quang gần ruột già, bao quanh niệu đạo, qua đó nước tiểu và tinh dịch thoát ra. Bệnh ung thư tiền liệt tuyến xảy ra khi những tế bào bất thường phát triển trong tiền liệt tuyến, đôi khi xâm lấn sang những bộ phận khác như đốt sống thắt lưng thấp hay xương chậu gây đau lưng và vùng chậu. Ung thư khi di căn đến gan gây đau bụng và vàng da, di căn đến phổi khiến bạn đau ngực và ho nhiều.

Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư Tiền liệt tuyến
Bác sĩ Vũ Thị Tâm, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết khoảng 80% trường hợp bị ung thư tiền liệt tuyến là người dưới tuổi 80. Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh phát triển chậm. Phần lớn đàn ông bệnh ở mức nhẹ có thể sống nhiều năm vì không có triệu chứng và ung thư không lan ra bộ phận khác, không đe dọa mạng sống. Bệnh ở mức nặng sẽ lây lan nhanh chóng, có thể tử vong.

Vào giai đoạn muộn, các triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:

Tiểu buốt, Tiểu chậm, tiểu nhiều lần, cảm giác tiểu không hết

Khi đi tiểu, nước từ bàng quang đi qua tiền liệt tuyến vào niệu đạo rồi ra ngoài. Khi tiền liệt tuyến to lên, thường gọi là u xơ tiền liệt tuyến, khiến thay đổi tiểu tiện như dòng nước tiểu chậm, mót tiểu hơn, cảm giác bàng quang không hết nước hoàn toàn, người bệnh sẽ cảm thấy muốn tiểu ngay sau khi vừa mới đi.

Do đó, nam giới khi có những dấu hiệu bất thường về tiểu tiện cần đi khám để được chẩn đoán kịp thời.

Xuất hiện máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu

Đó là triệu chứng điển hình của ung thư tiền liệt tuyến. Máu thường không quá nhiều, một số trường hợp màu hơi hồng. Nếu không phải ung thư tiền liệt tuyến, hiện tượng này có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, hoặc các bệnh lây qua đường tình dục, cục máu đông hoặc viêm.

Đau tê xương sống và căng cơ

Theo bác sĩ Vũ Thị Tâm, đau hoặc cảm giác tức ở vùng chậu, thắt lưng và ngực, có thể là dấu hiệu ung thư đang lan đến xương. Người bệnh có cảm giác tê ở chân hoặc bàn chân, do ung thư chèn ép vào tủy sống. Triệu chứng này khá hiếm gặp, nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan.

(Xem thêm: Làm sao để tăng cường hệ miễn dịch)

Bác sĩ Vũ Thị Tâm cho biết ung thư tiền liệt tuyến thường gặp ở nhóm người béo phì, ăn quá nhiều thịt hoặc thực phẩm giàu chất béo từ động vật. Những người quan hệ tình dục sớm, từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có nhiều đối tác tình dục, cũng tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến. Nhóm có nguy cơ cao là người có tiền sử gia đình bị ung thư tiền liệt tuyến.

Để phòng tránh bệnh, nên khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ mỗi năm một lần. Các thăm khám tầm soát tiền liệt tuyến bao gồm khám bằng tay và đo chất PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến). Tùy vào từng ca bệnh bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị riêng như phẫu thuật, xạ trị, điều trị bằng hormone. Các loại thuốc mới hiện được ứng dụng điều trị ung thư tiền liệt tuyến mang lại kết quả tốt.

Người bệnh cũng có thể cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ bệnh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng. Cá hồi và bông cải xanh là hai thực phẩm rất tốt cho tiền liệt tuyến. Các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, cam, quýt... cũng giúp bảo vệ tiền liệt tuyến; hạn chế thịt đỏ, sữa, cà phê, rượu. Nam giới cũng nên duy trì chế độ luyện tập thể dục đều đặn để cơ thể khỏe mạnh.

DieuTriUngThu.com tổng hợp