Những dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư Tụy

Một số dấu hiệu như đau bụng, vàng da, nước tiểu sẫm, cơ thể suy nhược, kèm chán ăn...có thể là những cảnh báo của ung thư tụy.

Bác sĩ Vũ Thị Tâm, Khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết tuyến tụy là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, nằm sau phúc mạc, sát thành bụng sau, phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày. Tụy được chia thành 3 phần chính lần lượt từ phải qua trái gồm: đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy.

Những dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư Tụy

Tụy mang hai chức năng chính là tiết ra men tụy đổ vào tá tràng giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non, tiết ra hormone Insulin và Glucagon đi thẳng vào máu để tham gia quá trình chuyển hóa Glucose của cơ thể.

Bệnh ung thư tuyến tụy là dạng tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy, bao gồm các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết (tế bào đảo Langerhans) và các tế bào thuộc mô liên kết của tụy. Theo thống kê, trên 95% ung thư tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết (gồm tế bào biểu mô ống tụy, tế bào "acinar", tế bào mầm...) trong đó khoảng 85% là xuất phát từ tế bào biểu mô ống tụy ngoại tiết; còn lại ung thư xuất phát từ tế bào tụy nội tiết và của mô liên kết rất hiếm gặp.

Triệu chứng điển hình thường gặp nhất của ung thư tụy là đau bụng. Dấu hiệu này thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1-2 tháng và tăng dần theo tiến triển của bệnh, nhưng ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày. Cảm giác đau thường khởi phát ở vùng thượng vị, khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng. Cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa khiến bệnh nhân phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau. Đau nhiều ra sau lưng thường gặp khi khối u nằm ở vùng thân hoặc đuôi tụy hơn là vùng đầu tụy.

(Xem thêm: Dịch vụ thông cống nghẹt uy tín)


Các triệu chứng của ung thư tụy giai đoạn đầu thường nghèo nàn. Khi bệnh tiến triển mạnh lan tràn, triệu chứng lâm sàng khá đa dạng, thay đổi tùy theo vị trí khối u và mức độ lan rộng của nó. Thống kê cho thấy, 60-70% u nằm ở vùng đầu tụy, 20-25% nằm ở thân/đuôi tụy, u chiếm toàn bộ thể tích của tụy chiếm tỉ lệ thấp.

Bình thường đau bụng trong ung thư tụy xuất hiện từ từ, tăng dần theo kiểu "vết dầu loang" theo tiến triển của bệnh, song cũng có trường hợp người bệnh đột ngột đau một cách dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.

Bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu như vàng da, nước tiểu sẫm màu. Vàng da do ung thư tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng, hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu. Vàng da thường gặp và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy.

Người bệnh cũng có thể bị đi ngoài sống phân bởi u gây cản trở men tụy xuống ruột non tiêu hóa thức ăn. Đó là một trong những nguyên nhân làm người bệnh ung thư tụy bị suy kiệt rất nhanh, do vậy cần bổ sung men tụy kịp thời.

Bên cạnh đó, người bệnh nhanh chóng suy nhược, sụt cân, chán ăn, thậm chí là nôn và tiêu chảy. Các dấu hiệu này, rất dễ nhầm với các bệnh khác, do vậy người bệnh không nên chủ quan.

Khá bất ngờ nhưng đái tháo đường cũng là một dấu hiệu của ung thư tuỵ. Đái tháo đường có thể xuất hiện đồng thời nhưng có khoảng 25% bệnh nhân ung thư tụy có khởi phát bệnh tiểu đường trước khi phát hiện ung thư tụy trong thời gian dưới hai năm.

Cho đến nay nguyên nhân cụ thể của ung thư tụy vẫn chưa được xác định. Dẫu vậy, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới cơ chế bệnh sinh của ung thư tụy. Trong đó, có yếu tố di truyền. Khoảng 10-15% ung thư tụy có liên quan tới yếu tố di truyền. Sự liên quan của yếu tố di truyền với ung thư tụy có thể được chia thành 2 nhóm:

Bệnh nhân mắc hội chứng di truyền liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tụy: Ví dụ người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng do di truyền (có đột biến gen BRCA1, BRCA2) có nguy cơ bị ung thư tụy theo thời gian là 3-5%. Bệnh nhân bị ung thư đại tràng không polyp có tính chất gia đình- hội chứng Lynch II (do đột biến gen sửa chữa ghép cặp sai-dMMR) có nguy cơ bị ung thư tụy theo thời gian là 4%. Bệnh nhân bị viêm tụy do di truyền có nguy cơ bị ung thư tụy là 24-40% do có đột biết gen PRSS1, SPINK1.

Ung thư tụy có tính chất gia đình: được xác định khi trong gia đình cặp có bố/mẹ -con hoặc cặp anh/chị-em cùng bị ung thư tụy. Đột biến mầm của gen BRCA1, BRCA2 được phát hiện trong khoảng 13-19% bệnh nhân ung thư tụy có tính chất gia đình.

Ngoài ra, một số bệnh lý mạn tính ở tụy cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy gồm đái tháo đường. Nó vừa là yếu tố nguy cơ vừa là hậu quả của ung thư tụy. Bên cạnh đó, các bệnh viêm tụy mạn, bệnh xơ nang tụy cùng các yếu tố môi trường như hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực, nghiện rượu... cũng làm tăng nguy cơ ung thư tụy.

Để chẩn đoán chính xác ung thư tụy, bác sĩ sẽ cho làm các xét nhiệm kiểm tra: xét nghiệm máu, chất chỉ điểm khối u, siêu âm... Trong các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư tụy, chụp cắt lớp vi tính có vai trò quan trọng nhất, bởi qua đó bác sĩ không những phát hiện khối u tụy mà còn đánh giá mức độ lan rộng khối u, tình trạng di căn hạch,... Điều này sẽ giúp đánh giá khả năng phẫu thuật triệt căn cũng như khả năng can thiệp để giải quyết các biến chứng do u gây ra như tắc mật (đặt stent đường mật, dẫn lưu đường mật qua da), đau (phong bế đám rối thần kinh giảm đau),...

Theo thống kê của WHO, ung thư tụy đứng thứ 14 về tỷ lệ mắc (458.918 ca một năm), nhưng lại xếp thứ 7 về tỷ lệ tử vong (432.242 ca tử vong một năm). Riêng tại Mỹ, chỉ 10% bệnh nhân ung thư tụy được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, trong khi đó 53% người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn 4 khi đã có di căn xa.

DieuTriUngThu.com tổng hợp