Vậy ung thư tuyến Giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, nằm ở phần khí quản cổ, có 2 thùy phải và trái, nối với nhau bởi một eo tuyến giáp, có một phần tuyến giáp hình tam giác kéo từ eo tuyến giáp trên gọi là thùy tháp. Ung thư biểu mô tuyến giáp là bệnh ác tính thường gặp nhất với tỷ lệ hơn 90% trong số các ung thư tuyến nội tiết.
Ung thư tuyến Giáp có thể chữa khỏi hoàn toàn? |
Theo thống kê, ở Việt Nam, ung thư biểu mô tuyến giáp đứng hàng thứ 6 trong các dạng ung thư ở phụ nữ với tần suất mắc theo tuổi ở nữ giới là 5,6/100,000 dân, ở nam giới là 1,8/100,000 dân. Ung thư biểu mô tuyến giáp biệt hóa chiếm khoảng 90% người bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp và thường có tiên lượng tốt do bệnh tiến triển chậm, có thể phẫu thuật triệt căn và đáp ứng với điều trị I-131.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến Giáp?
Hiện nay nguyên nhân chính xác gây ra ung thư tuyến Giáp chưa được rõ ràng. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ sau có thể là nguyên nhân chính gây ra ung thư tuyến Giáp:
- Người bệnh được điều trị tia xạ lúc bé, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ nghi ngờ ung thư.
- Người bệnh sống gần biển, nơi có đủ Iod trong thực phẩm, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ bị ung thư hơn so với những nơi thiếu Iod.
- Người bệnh có u đơn nhân hoặc đa nhân giáp trạng.
Các dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến Giáp
Các biểu hiện sớm
- Xuất hiện u giáp trạng: u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
- Xuất hiện hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
Các triệu chứng muộn
- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
- Khàn tiếng, có thể khó thở.
- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.
- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
- Siêu âm có thể nhận biết ung thư tuyến giáp.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến Giáp
- Đối với Ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang
Phẫu thuật: đối với ung thư thể nhú và thể nang, phẫu thuật là phương pháp chữa trị ung thư tuyến giáp chính. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật tùy theo kích thước, vị trí, tình trạng di căn của khối u. Thông thường phẫu thuật có thể bao gồm cắt thùy giáp trạng, cắt tuyến giáp toàn phần, cắt tuyến giáp bán phần.
Điều trị bằng I-131 phóng xạ: ung thư tuyến giáp thể nang và thể nhú đáp ứng tốt với điều trị I-131 phóng xạ
- Đối với ung thư biểu mô tuyến giáp tiến triển
Ung thư tuyến giáp thường ít khi di căn xa nhưng khi đã có di căn xa thì vấn đề cũng cần xem xét cẩn trọng. Tuy phẫu thuật và điều trị I-131 là hai phương pháp chính nhưng những phương pháp này cũng có khi không hiệu quả. Trong trường hợp này, xạ trị ngoài là phương pháp có thể áp dụng để điều trị di căn xương và các di căn khác. Điều trị xạ trị có thể làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính. Ngoài ra, điều trị đích cũng là một phương pháp mới đang được nghiên cứu và bước đầu ứng dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính của ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang
Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp
Định kỳ theo dõi là cần thiết đối với tất cả người bệnh ung thư tuyến giáp bởi vì bệnh có thể tái phát sau điều trị. Các xét nghiệm chính cần làm trong quá trình theo dõi bệnh là siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu. Bên cạnh đó bệnh nhân phải dùng thuốc hormone tuyến giáp (levothyroxine) từ sau khi mổ cắt tuyến giáp đến hết đời. Ngoài ra, chỉ số thyroglobulin cũng là dấu ấn ung thư quan trọng trong quá trình theo dõi.
Do đó, sau khi đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ và điều trị hủy mô giáp bằng I-131, chỉ số thyroglobulin được dùng để theo dõi bệnh. Nếu chỉ số này cao trong huyết thanh thì có thể nghi ngờ do bệnh tái phát và kết hợp thêm với một số xét nghiệm chẩn đoán khác. Đối với người bệnh có nguy cơ tái phát cao, chụp xạ hình toàn thân chẩn đoán với I-131 sau khi ngừng thuốc hormone cũng có thể được áp dụng để bổ trợ cùng với xét nghiệm thyroglobulin và siêu âm cổ.
Tiên lượng với bệnh nhân ung thư tuyến giáp
Phần lớn ung thư tuyến giáp thể nhú và nang tiên lượng tốt. Ung thư tuyến giáp thể nhú tỷ lệ sống sau 5 năm là 95% và sau 10 năm là 90%. Ung thư tuyến giáp thể nang tỷ lệ sống sau 5 năm là 90% và sau 10 năm là 70%. Ung thư dạng tủy tỷ lệ sống sau 5 năm và 10 năm lần lượt là 90% và 86%. Cá biệt với ung thư thể không biệt hóa tiên lượng xấu, ít có cơ hội phẫu thuật triệt căn, tỷ lệ sống còn trung bình dưới 1 năm. Các yếu tố nguy cơ bệnh tái phát là lớn tuổi, bướu to, bướu xâm lấn ra khỏi bao tuyến và phẫu thuật lần đầu không triệt để.
DieuTriUngThu.com tổng hợp