Làm sao để phát hiện sớm ung thư?

Hiện nay số lượng bệnh nhân ung thư nước ta đang ở mức đáng báo động. Làm cách nào phát hiện ung thư sớm luôn là điều mà rất nhiều người quan tâm, nhất là khi hiện nay có quá nhiều yếu tố tác động khiến cho tỷ lệ mắc ung thư ngày càng gia tăng ở mọi lứa tuổi. Những thông tin về việc phát hiện ung thư sớm bằng cách nào sẽ có trong bài viết dưới đây của DieuTriUngThu.com.

1. Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm ung thư

Tỷ lệ điều trị thành công cao chính là kết quả của việc phát hiện ung thư và điều trị sớm. Do hầu hết các bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật. Đối với giai đoạn đầu, người bệnh có thể chỉ cần phẫu thuật loại bỏ khối u mà không cần thêm bất kỳ phương pháp hỗ trợ nào khác như hóa trị, hay xạ trị... Điều này giúp giảm thiểu chi phí điều trị, giảm tối đa các tác dụng phụ và biến chứng, có thể bảo toàn được khả năng sinh sản, không gây ảnh hưởng đến diện mạo, vv...

Sau đây là tỷ lệ điều trị thành công và tỷ lệ sống của một số bệnh ung thư điển hình khi được phát hiện sớm. (Lưu ý: Sau 5 năm điều trị, nếu bệnh ung thư không tái phát thì được xem như đã chữa khỏi).

- Ung thư đại tràng: Có đến hơn 90% trường hợp bị ung thư đại tràng có thể sống trên 5 năm nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

- Ung thư vú: Hơn 90% phụ nữ có thể sống ít nhất 5 năm khi phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, còn với giai đoạn muộn, cơ hội sống chỉ còn 6%.

- Ung thư buồng trứng: Giống như ung thư vú có đến 90% phụ nữ bị chẩn đoán bị ung thư buồng trứng giai đoạn sớm có thể sống ít nhất 5 năm, và giai đoạn muộn cơ hội chỉ còn 5%.

- Ung thư phổi: Đây được xếp vào loại bệnh ung thư nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, có khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi sẽ sống được ít nhất 1 năm sau khi được chẩn đoán, trong khi cơ hội này giảm còn 14% ở giai đoạn muộn.

2. Phát hiện ung thư sớm bằng cách nào?

Mọi bệnh ung thư thường được chia thành 5 giai đoạn: 0, I, II, III, IV. Phát hiện ung thư sớm lý tưởng nhất là khi phát hiện ra bệnh trước khi nó biểu hiện thành triệu chứng.

Thông thường nếu phát hiện ung thư sớm là ở giai đoạn 0 và giai đoạn I thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh là rất cao.

Trong rất nhiều trường hợp, việc khám và tầm soát ung thư giúp phát hiện được những bất thường trong cơ thể. Ngoài ra, chúng còn có thể loại bỏ các yếu tố nguy cơ và ngăn ngừa các bệnh trước khi chúng biến thành ung thư.

2.1 Tầm soát ung thư sớm

Tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng/lần chính là cách phát hiện ung thư sớm một cách chính xác nhất là. Bạn nên lựa chọn tầm soát ung thư tại các bệnh viện uy tín và chất lượng. Việc tầm soát ung thư thường gồm các bước như sau:

Khám lâm sàng:

Ở bước này, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh những thông tin cơ bản như:

- Thói quen sinh hoạt hàng ngày.

- Tiền sử mắc bệnh của bản thân cũng như gia đình họ.

- Mọi dấu hiệu bất thường của cơ thể.

- Sau đó sẽ khám thực thể, tìm kiếm các hạch, nốt ruồi, khối u bất thường trên cơ thể người bệnh. Từ đây, bác sĩ sẽ tư vấn hoặc cho chỉ định làm những xét nghiệm phù hợp. Nếu nghi ngờ, có thể sẽ phải sử dụng các phương pháp chẩn đoán đặc thù hơn để phát hiện loại ung thư người bệnh có nguy cơ mắc phải.

Thực hiện các xét nghiệm:

Ngoài việc thực hiện xét nghiệm cơ bản phổ biến là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,... Bệnh nhân có thể sẽ được làm các xét nghiệm đặc thù như:

- Xét nghiệm máu định lượng kháng nguyên đặc hiệu (giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt).

- Xét nghiệm máu định lượng kháng nguyên đặc hiệu CA125 (giúp phát hiện khối u bất thường trong buồng trứng).

- Xét nghiệm phiến đồ papanicolaou (giúp phát hiện sớm ung thư đường sinh dục dưới như ung thư cổ tử cung)

- Xét nghiệm xem có máu trong phân (để phát hiện bệnh ở đại tràng, dạ dày)...

- Phát hiện ung thư sớm bằng hình ảnh: Chụp X-quang, CT - scanner, MRI, siêu âm.

- Sinh thiết vùng nghi ngờ và PET trong phát hiện ung thư sớm: Sinh thiết là cắt một phần mô ở vị trí đang nghi ngờ để làm các xét nghiệm xem có tế bào ung thư hay không. PET là phương pháp chụp cắt lớp phát xạ cho kết quả chính xác cao trong chẩn đoán ung thư sớm. PET sẽ giúp bác sĩ chỉ định biện pháp điều trị phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị một cách chính xác.

2.2 Quan sát dấu hiệu bất thường của cơ thể

Bạn có thể là một bác sĩ khám cho chính bạn, bởi không ai hiểu cơ thể bạn hơn chính bạn. Lắng nghe có thể, quan sát dấu hiệu và một chút hiểu biết kiến thức về bệnh ung thư có thể giúp bạn phát hiện sớm ung thư.

Dưới đây là một số cách thăm khám và dấu hiệu của những bệnh ung thư điển hình:

2.2.1 Ung thư vú

Đây là loại ung thư thường gặp nhất ở giới nữ. Bệnh có thể chữa khỏi cao nhất 100% nếu phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng. Những phụ nữ từ 20 tuổi trở lên, hàng tháng nên tự khám vú sau khi sạch kinh được 5 ngày. Cách tự khám vú:

- Để xuôi tay, quan sát xem có các thay đổi ở vú như u cục, lõm da, dày lên hoặc thay đổi màu sắc da.

- Đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại lần nữa.

- Chống hai tay lên hông làm cử động đưa ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hoặc hạ vai xuống. Động tác này làm rõ hơn các thay đổi tại vú nếu có.

- Nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không.

- Đưa tay phải ra sau gáy, dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra phía ngoài.

- Kiểm tra từng vùng của vú và cả về phía hố nách.

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú:

- Khối u không đau ở ngực.

- Thường xuyên bị ngứa hay rát quanh núm vú.

- Núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại không.

- Làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống có nếp gấp.

- Có hạch ở hố nách.

Khi có những dấu hiệu trên chưa chắc bạn đã bị ung thư vú, tuy nhiên cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác. Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên đi khám định kỳ tại các chuyên khoa mỗi 1 đến 3 năm một lần. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên cần định kỳ chụp X-quang tuyến vú.

2.2.2. Ung thư cổ tử cung

Đây là loại ung thư đứng thứ hai sau ung thư vú. Phụ nữ sau khi bắt đầu quan hệ tình dục 3 năm nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung mỗi năm một lần. Khám phụ khoa: Bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung và các cơ quan khác trong vùng khung chậu; có thể lấy tế bào âm đạo làm xét nghiệm.

- Xét nghiệm tế bào học âm đạo: Bác sĩ lấy tế bào trên bề mặt cổ tử cung và âm đạo để xét nghiệm. Phương pháp này khá chính xác, cho phép phát hiện những biến đổi rất sớm của tế bào.

- Nghiệm pháp axit axetic: Đây là phương pháp chấm cổ tử cung bằng dung dịch axit axetic 3-5% và quan sát bằng mắt thường để phát hiện những bất thường bao gồm các tổn thương tiền ung thư. Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, tương đối chính xác, có hiệu quả cao để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

- Nghiệm pháp lugol: Là phương pháp chấm tổ tử cung bằng dung dịch logul 5% và quan sát bằng mắt thường. Bình thường các tế bào của cổ tử cung bắt màu nâu khi chấm dung dịch này, nếu có bất thường sẽ có màu nâu nhạt hoặc vàng. Đây cũng là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, có hiệu quả.

- Soi cổ tử cung: Sử dụng máy soi phóng đại hình ảnh cổ tử cung để quan sát tổn thương dễ dàng hơn. Có thể kết hợp chấm axit axetic hoặc dung dịch lugol như trên. Bác sĩ thường tiến hành soi khi các xét nghiệm trên có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ bất thường khi kiểm tra bằng mắt. Nếu có tổn thương nghi ngờ, các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để chẩn đoán.

2.2.3. Ung thư đại trực tràng

Loại ung thư có tỷ lệ mắc đứng thứ ba, đang có xu hướng tăng mạnh ở nước ta trong những năm gần đây.

Xét nghiệm tìm máu trong phân:

- Các khối u ác tính hay polyp của đại tràng và trực tràng rất dễ bị chảy máu khi phân đi qua. Nếu máu chảy với số lượng ít sẽ không thể nhận thấy được bằng mắt thường. Thì xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân có thể phát hiện được lượng máu nhỏ này.

- Những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ nguy cơ cao bị ung thư đại - trực tràng và cần được tiến hành soi toàn bộ đại tràng. Người từ 50 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm định kỳ này mỗi năm một lần.

Soi toàn bộ đại tràng:

Đây chính là phương pháp tốt nhất hiện nay trong sàng lọc ung thư đại - trực tràng. Trong khi nội soi nếu phát hiện thấy tổn thương nghi ngờ ung thư hoặc tiền ung thư, các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm soi tìm tế bào ác tính. Người từ 50 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm định kỳ này một lần mỗi năm.

2.2.4. Ung thư khoang miệng

Đây là loại ung thư hay gặp ở vùng đầu cổ, liên quan nhiều tới thói quen hút thuốc, ăn trầu, uống rượu... Để có thể phát hiện sớm nhất, bạn nên quan sát khoang miệng của mình qua soi gương mỗi khi đánh răng. Khi thấy có những vết, mẩn hơi đỏ hoặc trắng ở trong niêm mạc miệng, vết thương ở khoang miệng lâu liền, chảy máu trong khoang miệng, việc há miệng bị hạn chế, sờ thấy u bất thường... thì nên đến bác sĩ chuyên khoa khám.

Nên đi khám tầm soát ung thư khoang miệng 3 năm một lần với những người trên 20 tuổi và hàng năm với người trên 40 tuổi, đặc biệt là nam giới hay hút thuốc lá, thuốc lào.

2.2.5. Ung thư da

Đây là loại ung thư dễ dàng được nhận thấy bằng mắt thường, bệnh có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Mọi người đều có thể tự quan sát toàn bộ da trên cơ thể, đặc biệt là các vùng da hở, thực hiện tốt nhất là sau mỗi lần tắm.

Những biểu hiện của bệnh gồm vết loét da dai dẳng, thỉnh thoảng có chảy máu, nổi u cục, có thể có vùng da bị sừng hóa do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, vết đốm đỏ nhạt kéo dài dai dẳng dù đó là vết xước trợt nhẹ...

Một loại ung thư da là ung thư hắc tố thường liên quan đến nốt ruồi. Cần lưu ý các dấu hiệu như thay đổi về kích thước, màu sắc, hình dáng, đường viền, bề mặt các nốt ruồi...

Để phát hiện sớm ung thư da, bạn nên đi khám định kỳ ở tuổi từ 30 trở lên 3 năm một lần và khám hàng năm sau tuổi 40.

2.2.6. Ung thư tuyến giáp

Nếu có một trong những biểu hiện bất thường dưới dây thì bạn nên đi khám: có khối u ở cổ hoặc nhìn thấy cổ to ra, đau ở vùng trước cổ, khan tiếng hoặc thay đổi giọng nói kéo dài, khó thở hoặc ho kéo dài. Bạn nên tự khám cổ 2 lần trong một năm để xem có khối u nào ở cổ hay không.

Đa phần bệnh ung thư đều có thể được chữa khỏi với tỷ lệ sống sót cao nếu bạn phát hiện ở giai đoạn càng sớm càng tốt. Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư hàng năm chính là cách để bạn có thể phát hiện ung thư sớm.

Nguồn: DieuTriUngThu.com